HƯƠNG DÃ QUỲ




Lần đầu tôi lên cao nguyên. Cái cảm giác lâng lâng khó tả cứ đan trong tôi. Người ta bảo ở Đà Lạt một ngày có tới bốn mùa, sáng xuân, trưa hạ, chiều thu và tối là mùa đông, quả đúng không sai.
Tôi lững thững đi. Hai bên đường mọc đầy cây Dã Quỳ. Mùa này hoa Dã Quỳ đang mùa nở rộ. Cái màu vàng tươi của hoa cùng với mùi hôi hôi hăng hắc từ thân cây tỏa ra làm tôi nhớ về Cô Sầu. Cô Sầu, cái phố huyện nhỏ tẹo ở vùng giáp biên phía bắc, nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng tràn ngập cây dã quỳ như ở đây. Ngày ấy lũ học sinh chúng tôi thường lấy cây Dã Quỳ về ủ làm phân xanh để trồng cây trong vườn trường. Cái mùi hôi hôi hăng hắc thường làm cho tụi con gái sợ chết khiếp, cứ phải lấy khăn bịt kín mũi, kín mồm. Ấy vậy mà Lìn – cô bé xinh nhất lớp tôi lại tấm tác khen thơm. Lìn không sợ cái mùi khó chịu của cây Dã Quỳ. Em vẫn thường hái hoa về cắm lọ. Em cười bảo chúng tôi:
- Mỗi loại cây đều có tiếng nói riêng của nó. Cái mầu vàng này nhiều loài hoa khác cũng có. Nhưng chẳng có loài cây nào có được mùi hương thơm thế này. Đấy chính là tiếng nói riêng của hoa Dã Quỳ. Nếu mình đừng sợ thì sẽ thấy nó đáng yêu biết bao nhiêu… - Em hít hà cái mùi hôi hôi hăng hắc ấy, làm lũ chúng tôi bái phục.
Dân quê tôi có thói quen đập đá xếp thành hàng rào quanh nương rẫy. Những khối đá mẹ chềnh ềnh, đen bóng như những con trâu mộng, nằm rải rác trong nương cứ bị đập vỡ dần, vỡ dần. Những bức tường đá ngày một dài ra, cao lên. Cứ thế, hết đời này sang đời khác. Đến lứa chúng tôi thì nương rẫy chỉ còn toàn đất mầu. Đường cầy không còn vướng đá nữa. Cây ngô, cây sắn cứ thế mà mọc lên. Những cây Dã Quỳ cũng len lỏi sát bên hàng rào đá mà lớn lên thành bờ, thành bụi. Hạt hoa theo gió bay lên lưng núi đua nhau nẩy mầm trong kẽ đá, cây lại mọc lên xanh um. Mỗi khi mùa hoa về, những hàng rào đá và sườn núi lại vàng rực một mầu hoa. Có lẽ chẳng ở đâu có được những Phja Bjoóc (Núi hoa – tiếng Tày) như ở quê tôi. Chúng tôi vẫn tự hào bảo thế.
Cái tuổi thơ ngây qua đi. Niềm hãnh diện, tự hào về những Phja Bjoóc cũng vơi dần theo năm tháng. Chúng tôi lớn lên, mỗi đứa đi mỗi ngả. Cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam cuốn hút lũ con trai. Lũ con gái thì vào đại học, để lại mùa hoa Dã Quỳ và những núi hoa vàng rực cho lớp lớp đàn em. Ngày tiễn tôi lên đường, Lìn tặng tôi cuốn sổ tay. Em nhẹ nhàng hái một cánh hoa cho vào trang sổ ép lại rồi đưa cho tôi. Mắt em đầy ậng nước. Nhìn tôi, em nói:
- Anh đi nhớ chóng về. Đừng quên quê mình, đừng quên mùa hoa Dã Quỳ nở. – rồi em ù chạy. Vừa chạy em vừa lấy ống tay áo chàm lau nước mắt. Để lại tôi đứng lặng bên hàng cây Dã Quỳ vàng rực màu hoa.
*
* *
Giải phóng miền Nam, tôi trở về Cô Sầu. Bạn bè kẻ còn, người mất. Lìn đã tốt nghiệp đại học. Giờ em làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Cô Sầu. Cái vóc dáng nhỏ bé ngày nào giờ không còn nữa. Em phổng phao và rắn rỏi. Tôi bàng hoàng, em vẫn đẹp và trẻ trung như ngày nào. Tôi sung sướng nhìn em. Em cười, đôi mắt huyền lúng liếng cuốn hút hồn tôi. Tôi chưa kịp đưa em cuốn sổ tay trong có cánh hoa Dã Quỳ em tặng tôi ngày ra đi và trong đó còn có cả những dòng nhật ký mà tôi viết về em, về mảnh đất Cô Sầu, về những mùa hoa Dã Quỳ xiết bao nỗi nhớ. Để minh chứng rằng tôi vẫn nhớ em, vẫn nhớ mùa hoa Dã Quỳ nở và đã trở về đúng như lời em dặn ngày tiễn tôi lên đường. Một bé gái chừng bốn tuổi chạy đến nhào vào lòng em. Tôi ngỡ ngàng. Em ngượng ngùng nhìn tôi, mắt rưng lệ. Em khẽ nói:
Con em đấy! Chào bác đi con!
Trong tôi bỗng trào lên nỗi xót xa và oán giận, nhưng vẫn cố kìm cho giọng nói thật bình thường:
Lìn lấy chồng khi nào?
Lìn nhìn tôi, mắt chớp chớp như muốn khóc. Chắc rằng em đoán được tâm trạng tôi lúc này. Bé gái ngước cặp mắt to tròn nhìn tôi vẻ lạ lẫm.
Hơn năm năm rồi!
Bố cháu đâu?
- Anh không biết thật à? Thèn đấy! Thèn hy sinh rồi…
Tôi choáng váng. Ngày tiễn tôi ra đi, em đã chả nói với tôi như một lời hẹn ước đó sao? Giờ tôi trở về với em, với mùa hoa Dã Quỳ nở. Vậy mà em lại nỡ quên. Em đi lấy chồng, mà lấy ai không lấy, lại đi lấy thằng “Thèn đểu” . Cả lớp tôi đứa nào cũng ghét nó, vì nó ranh ma, lừa lọc và hay tán gái. Tụi con gái sợ nó vì nó trơ trẽn và thô thiển. Lìn như đoán được suy nghĩ. Em đã kể cho tôi nghe tất cả.
Khi Lìn đang học đại học năm thứ ba. Thèn vẫn ở nhà, vờ ốm để khỏi phải đi bộ đội. Trốn mãi không được, Thèn cũng phải nhập ngũ. Trước khi lên đường, Thèn đã bắt pá mé ( bố mẹ – tiếng Tày ) sang nhà Lìn để hỏi Lìn về làm vợ Thèn. Nhận được thư ở nhà gửi đến, Lìn choáng váng liền viết thư về cho pá mé nói rằng mình không đồng ý lấy Thèn. Ở nhà bố Lìn vẫn cho làm đám cưới. Pá mé Thèn lo đủ mười gánh đồ cưới, gồm cả chăn, màn, quần áo, lợn, gà, tiền, gạo. Những cái hòm gỗ thông quét phẩm đỏ tươi đựng đầy đồ dẫn cưới, nặng trĩu vai những chàng trai, cô gái. Lìn không về, đám cưới vắng cô dâu. Thèn tức lắm, nó bắt bố mẹ làm cỗ cưới thật to, ăn đủ hai ngày, hai đêm. Họ hàng làng xóm kéo đến “ kin lẩu ” (uống rượu – tiếng Tày) đông vui như đi hội. Đám đàn ông say lướt khướt, mặt mũi đỏ gay, chân nam đá chân chiêu. Tiếng “sái mạ” (trò chơi đố bằng tay giữa hai người, thường diễn ra trong đám hội hay đám cưới ở vùng núi phía bắc) ầm ĩ trên những mâm cỗ cưới. Tiếng “lượn” (hát đối đáp giữa nam và nữ) của những tốp con trai, con gái vang lên suốt đêm.
Lìn về nghỉ hè được ba hôm thì thấy Thèn lù lù khoác ba lô về. Lìn khóc bảo bố mẹ trả lễ cưới cho nhà Thèn. Bố giận Lìn, chửi mắng ầm ĩ. Mẹ ngất lên ngất xuống mấy lần. Lìn thương mẹ, đành theo Thèn về nhà nhà làm vợ. Mẹ bảo:
- Con gái về nhà chồng phải mặc quần áo dân tộc mình, như thế mới sống được với nhà chồng. Ông bà, tổ tiên nhà chồng mới nhận. Bộ quần áo chàm đã lâu không mặc, giờ về làm dâu nhà Thèn, Lìn nghe mẹ lấy ra mặc. Lìn vừa mặc vừa khóc. Mẹ thương Lìn cũng khóc theo. Mẹ thấy Lìn thắt dải dây lưng như con gái chưa chồng, mẹ bảo:
- Con đã có chồng rồi, phải thắt lại dây lưng, không có người ta cười cho.
Thèn mãn nguyện vì chiếm được Lìn. Ba đêm làm vợ Thèn, Lìn chỉ khóc. Biết Lìn còn nguyên vẹn là con gái, Thèn bảo pá mé mổ lợn làm đám cưới lần nữa để mời họ hàng. Khi cỗ bàn vừa bầy ra thì có hai anh bộ đội ở cùng đơn vị về tìm Thèn. Thèn tái mặt, chạy vội vào buồng nằm đắp chăn kín đầu. Lìn hỏi mãi Thèn cũng không nói. Hai anh bộ đội tươi cười chào mọi người rồi nói là đơn vị cũng cho về phép như Thèn. Giờ hết phép, đến rủ Thèn về đơn vị. Các anh vui vẻ ăn cỗ cùng gia đình. Thèn đi rồi, Lìn ở nhà chồng hết hai tháng hè. Biết Lìn đã có con trong bụng, pá mé Thèn mừng lắm. Lìn trở lại trường học nốt năm cuối cùng. Bụng mang dạ chửa, đi thực tập ở hợp tác xã nông nghiệp, Lìn vẫn phải đi cầy, xếp đất đổ ải. Bảo vệ tốt nghiệp xong cũng là lúc Lìn sinh con. Lìn đặt tên con là Quỳ để kỉ niệm về loài hoa của một thời con gái.
Lìn trở về Cô Sầu. Đại hội xã viên bầu Lìn làm phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp phụ trách kỹ thuật. Bé Quỳ cứ thế lớn lên trong trình thương của mẹ và ông bà nội ngoại. Thèn vẫn đi biền biệt không về.
Khi bé Quỳ trong ba tuổi thì Lìn nhận được giấy báo tử Thèn. Tin dữ đến đúng vào mùa hoa Dã Quỳ nở vàng rực. Lìn lặng lẽ đến ngồi dưới hàng cây Dã Quỳ tức tưởi khóc...
Lìn khéo léo chối từ lời cầu hôn của tôi:
- Em còn chưa mãn tang mà anh! Hẹn anh sang năm, cũng vào mùa hoa Dã Quỳ nở...
Năm sau, đúng vào mùa Dã Quỳ đơm hoa. Tôi trở về Cô Sầu. Lìn đã mãn tang chồng. Chúng tôi ngồi bên nhau, dưới hàng Dã Quỳ ngày trước em đã tiễn tôi vào bộ đội. Trăng sáng như dát bạc. Những bông hoa vàng khẽ lay động, lấp lóa dưới ánh trăng. Em ngả đầu vào ngực tôi. Mùi hương lá sả em gội đầu còn vương trên tóc ngan ngát thơm. Biết bao kỷ niệm êm đềm của ngày xưa cứ hiện về trong tôi. Em ôm ghì lấy tôi, nức nở. Tôi để yên cho em khóc, nước mắt sẽ làm dịu đi nỗi đau trong em. Tôi hiểu trong lòng em lúc này ngổn ngang trăm mối. Em gọi tên tôi trong tiếng nức nở. Rồi em choàng tay kéo sát mặt tôi vào mặt em. Chúng tôi hôn nhau. Em mãnh liệt, si cuồng như bão tố. Tôi bị cuốn đi bởi dòng thác lũ nơi em. Em lần tìm bàn tay tôi, rồi kéo vào đặt nơi ngực mình. Bàn tay tôi chạm vào bầu ngực nồng ấm của em. Em thật thà nói:
Không còn được như xưa đâu! Con nó bú tóp hết rồi mà.
Ánh trăng lấp lóa soi rõ nửa thân thể trắng ngần của em. Tôi như ngây dại. Em thì thào trong tiếng thở gấp :
Em hư lắm phải không anh? Anh đừng khinh em, anh nhé. Lỗi tất cả là do em. Em đã không làm đúng như lời hẹn với anh. Em hiểu lòng anh lắm, song em không thể làm khác được. Em muốn đền bù cho anh tất cả, nhưng em có còn gì nữa đâu. Em không xứng với anh. Anh hãy quên em đi, coi như em đã...
- Không, anh vẫn yêu em mà! Anh chấp nhận tất cả. Anh sẽ coi bé Quỳ như con đẻ của anh. Lỗi đâu phải tại em!
Em lại gục mặt vào ngực tôi nức nở:
- Anh ơi! Anh đừng ... nói nữa!
Mặt trăng mờ dần trong mây. Không gian im lặng. Hàng Dã Quỳ cũng lặng yên... Tiếng giọt sương lăn tròn trên vòm lá. Tiếng giọt sương rơi nghe mơ hồ như từ một nơi nào xa thẳm...
Hôm sau em lẩn tránh tôi. Tìm gặp em bao lần mà không được. Mấy năm liền tôi về Cô Sầu để gặp em, nhưng em đều tìm cách tránh mặt tôi.
Thế rồi cũng đã gần ba chục năm qua đi, tôi không về Cô Sầu. Năm ngoái mới có dịp trở về. Chỉ nghe nói Lìn ở vậy thờ chồng, nuôi con. Lo làm ma cho bố mẹ hai nhà đâu vào đấy. Cháu Quỳ đã lấy chồng mãi tận miền Trung. Lìn vẫn ở một mình. Bỗng nhiên Lìn đi đâu đã hơn chục năm nay. Không ai biết tin gì về Lìn nữa. Có người bảo : “Lìn đi Nam tìm mộ Thèn” , có người lại nói “Lìn bỏ nhà đi theo gã buôn lậu gỗ ”. Nói em đi tìm mộ chồng thì còn nghe được, chứ bảo em đi theo trai thì tôi không tin. Em vốn là con người thủy chung, nhưng lại không dám phá vỡ cái khuôn phép đã được cha mẹ sắp đặt. Nếu em muốn “bước đi bước nữa thì” thì em đã làm vậy từ lâu rồi, chứ đâu phải đợi đến bây giờ... Nếu em muốn vậy thì ngày ấy em đâu nỡ chối từ lời cầu hôn của tôi. Tôi tin rằng em quyết ở vậy suốt đời. Điều ấy chỉ có tôi là hiểu được cho em mà thôi. Người dì ruột của em đưa cho tôi một gói ni lông được dán kín. Bà nói là của em gửi cho tôi từ cách đây gần hai chục năm. Có nghĩa là trước ngày em đi khỏi Cô Sầu. Bà đã kể cho tôi nghe tất cả những gì Lìn phải gánh chịu, sau cái lời cầu hôn của tôi với em ngày ấy. Không hiểu vì sao thiên hạ lại biết được chuyện giữa tôi và em. Thế là những lời đàm tiếu, đồn thổi bung lên ở cái phố huyện nhỏ bé vốn dĩ êm đềm và hiền lành. Một mình em phải gánh chịu những lời lẽ cay nghiệt. Rằng em đã mê hoặc, đã tấn công tôi. Em lừa tôi vào chòng, vào bẫy tình của em. Người ta bóng gió nhục mạ em bằng những lời cay độc vốn có từ ngàn đời “ Nạ dòng vớ được trai tơ, đêm nằm hý hửng như mơ được vàng ”. Có kẻ còn ác độc hơn đã nói thẳng vào mặt em: “những tưởng bà chủ nhiệm chỉ giỏi sản xuất nông nghiệp, ai ngờ bà còn giỏi cả việc giăng bẫy trai tân”. Em đau khổ trước những lời cay độc đó, không biết nói cùng ai, đêm về chỉ biết ôm con mà khóc. Tôi lặng lẽ đến bên hàng cây Dã Quỳ. Những điều bí mật giữa em và tôi từ cái ngày xa xưa ấy đều có sự chứng kiến của hàng cây Dã Quỳ này. Nay tôi muốn những điều em gửi lại cũng được hàng cây này chia xẻ. Em gửi lại cuốn sổ tay mà tôi đưa em đọc. Em ghi cho tôi chỉ vẻn vẹn có mấy dòng. Những dòng chữ bị nhòa đi vì nước mắt: “Anh! Em đã đọc đến thuộc lòng những gì em viết trong cuốn sổ này. Em càng hiểu và thương anh nhiều. Thương anh lắm anh ơi! Thương anh mà không biết làm sao được. Càng thương anh, em càng thấy giận em hơn. Thôi, số kiếp nó như vậy phải không anh? Dù sao thì em cũng toại nguyện rồi, vì đã một lần trong đời được làm vợ anh. Anh hãy tha lỗi cho em anh nhé! Ngày mai em đã đi xa rồi. Vĩnh biệt anh! Vĩnh biệt những mùa hoa Dã Quỳ quê mình...”.
*
* *
Cơn mưa bất chợt đổ xuống. Mưa đan dày ngang dọc. Hàng thông nghiêng ngả trong gió, mờ ảo trong mưa. Tôi cứ thế bước. Hai bờ Dã Quỳ rạp xuống. Mưa ào ạt rơi trên lá, trên hoa. Tôi sững người lại khi thấy một chiếc xe máy tiến đến ngay trước mặt. Tiếng người thanh niên ngồi trên xe nói át cả tiếng mưa:
- Mời chú lên xe! Con đưa chú về kẻo ướt hết.
Trong màn mưa, tôi thấy ánh mắt anh đầy vẻ thân thiện và hiền lành. Thực ra tôi đã bị ướt hết từ khi nãy rồi. Chẳng hiểu sao tôi lại ngoan ngoãn ngồi lên phía sau xe.
- Chú về đâu? Con đưa chú về.
- Tôi về số hai Yên Thế!
- Dạ !
Hai chúng tôi về đến nơi thì mưa cũng mưa cũng vừa tạnh. Tôi xuống xe, người rét run, lập cập nói:
- Vào phòng tôi, uống chén trà cho ấm bụng rồi hãy đi!
- Dạ!
Trong khi tôi đi thay quần áo thì chàng xe ôm tráng ấm pha trà. Cậu ta tự nhiên như ở nhà mình. Thấy tôi từ phòng tắm đi ra, cậu lễ phép:
- Dạ, con mời chú uống nước!
Tôi gật đầu thân thiện.
- Thưa chú, chú mới ở ngoài Bắc vô?
- Ừ, chú mới vào! – tôi đổi cách xưng hô.
- Thưa chú! Chú ở tỉnh nào ngoài đó ạ?
- Chú ở xa lắm, tận biên giới phía bắc kia!
- Vậy hả chú? Ba mẹ con cũng người ngoài đó chú à! Chỉ có má con là người trong này thôi.
Tôi tò mò hỏi:
- Ba mẹ anh người Bắc, má anh người Nam là thế nào?
- Chuyện kỳ vậy đó chú. Má ruột con là vợ hai mà chú!
- Ba mẹ anh là người tỉnh nào ngoài Bắc?
- Con nghe mẹ con nói quê ba mẹ con ở tận Cô Sầu. Cũng tận biên giới phía bắc đó chú!
Tôi giật mình khi nghe hai tiếng Cô Sầu, vội hỏi:
- Ba mẹ anh tên gì, hiện giờ ở đâu?
- Mẹ con tên Liên.
- Tên Liên, còn ba anh tên gì?
- Dạ, ba con tên Thèn… Hoàng văn Thèn đó chú!
- Mẹ anh là Vi thị Lìn!
- Dạ không, mẹ con là Vi thị Liên!
- Ừ ừ, Vi thị Lìn tức Liên, chú nhớ ra rồi! – Hình ảnh của Lìn lại bùng cháy trong tôi. Hai dòng máu Hoa và Tày đã sinh ra em. Bố em từ bên kia biên giới lưu lạc sang Cô Sầu và được ông ngoại em cưu mang rồi gả con gái cho. Cái tên Lìn của em khi chuyển sang tiếng Việt thì gọi là Liên. Ngày còn bé chúng tôi chỉ gọi em bằng cái tên mà từ thủa lọt lòng mẹ đã gọi em. Tôi choáng váng, không có lẽ nào lại như vậy. Thèn không hy sinh như người ta tưởng. Tại sao Thèn còn sống lại không trở về với vợ, với con? Tại sao Lìn lại biết Thèn còn sống mà vào đây? Trong tôi có bao nhiêu câu hỏi không tự trả lời được.
- Bây giờ ba mẹ cháu ở đâu?
- Dạ, mẹ con ở với con. Ở Lạc Dương. Mà sao vậy chú?
- À không sao, chú muốn biết thôi mà. Mẹ cháu có khỏe không?
- Dạ khỏe chú à! Chú biết mẹ con?
Anh chàng xe ôm nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên nhưng cũng lộ rõ sự vui mừng. Lúc này tôi mới nhìn kỹ khuôn mặt anh ta. Tôi nhận ra cặp lông mày hơi xếch và đôi mắt một mí của Thèn thời trẻ. Tôi có phần an tâm hơn về khẳng định của mình. Chàng trai này đích thực là con đẻ của Thèn.
Chú là bạn học từ hồi nhỏ với ba mẹ cháu, khi ở Cô Sầu!
Trời, thật vậy hả chú?
Thật vậy đấy cháu. Đã lâu lắm rồi chú không gặp lại ba mẹ cháu.
Ba má con mất rồi!
Chú xin lỗi! Chú không biết...
- Má con mất khi con lên năm. Hai năm sau, ba con cũng qua đời. Trước khi mất, ba con có gửi thư ra ngoài Bắc cho mẹ con. Con không biết ba con viết những gì trong thư. (còn tôi thì tôi đoán ra được những gì Thèn viết trong lá thư ấy). Chừng ba tháng sau, mẹ con ở ngoài Bắc lặn lội vào, tới nơi thì ba con đã mất rồi...
- Mẹ cháu ở trong này suốt từ bấy tới giờ?
- Dạ! Nhưng con không hiểu sao mẹ con cứ buồn hoài chú à! Con nghĩ chắc mẹ con buồn nhớ quê. Đã mấy lần con tính đưa mẹ con về Bắc chơi. Mẹ con đều lắc đầu không đi. Con cũng muốn ra ngoài đó thăm quê nội mà đâu có được.
- Chú muốn gặp mẹ cháu!
- Dạ! giờ thì không được đâu chú ơi! Mẹ con đi Nha Trang thăm chị con rồi.
- Chị gái của cháu?
- Dạ, chị Quỳ đó chú!
- Chị Quỳ?
- Dạ!
- Mẹ cháu đi Nha Trang khi nào?
- Khi sáng con mới đưa mẹ con ra xe. Con về thì gặp chú đó, chú à!
- Vậy ra cháu không phải làm nghề xe ôm?
- Dạ, con ở nhà làm trang trại!
- Làm sao chú có thể gặp được mẹ cháu?
- Tới khi nào chú về ngoài ấy?
- Chừng năm hôm nữa!
- Để con phôn cho mẹ con. Coi chừng nghe tin chú vô, mẹ con quay về Đà Lạt ngay đó chú!
- Đừng làm thế, chú sợ mẹ cháu mệt.
- Dạ! Dù sao con cũng phải tin cho mẹ con hay, kẻo mẹ con biết, mẹ con rày chết đó chú!
- À, tên cháu là gì nhỉ?
- Dạ, con tên Bằng đó chú! Ba con đặt tên con để nhớ về quê ngoài đó.
Bằng hẹn sẽ lại đến thăm tôi, trước khi tôi ra Bắc. Rồi Bằng xin phép ra về. Tôi nhìn theo bóng Bằng lướt nhanh xuống dốc. Phía trời Lạc Dương đang mưa. Đỉnh Lang-Bi-An phủ một màu trắng đục. Bỗng nhiên tôi thấy lòng mình trống trải quá. Tôi muốn được gặp Lìn biết chừng nào. Tôi tin rằng không phải chỉ mình tôi mà là tất cả bạn bè xưa cũ đều muốn biết tin về em. Tại sao em phải như kẻ chạy trốn? Em vào trong này sống âm thầm nơi đất khách quê người cùng với con riêng của chồng, mà không hề cho ai hay biết. Em bỏ lại quê hương, bỏ lại những mùa hoa Dã Quỳ đọng đầy biết bao kỷ niệm yêu thương của một thời thơ bé.
Mưa lại rơi. Đà Lạt chiều nay như lạnh hơn. Tôi muốn hét lên:
- Lìn ơi! đâu phải lỗi tại em!

2 nhận xét:

Tin Tức Điện Thoại nói...

Hoa dã quỳ là một biểu tượng đẹp của Đà Lạt, bạn nào có biết ý nghĩa hoa dã quỳ là gì không ạ :D

Unknown nói...

Dã Quỳ là tượng trưng cho một tình yêu và sức sống mãnh liệt

Đăng nhận xét

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Vietnam
không ai là hoàn hảo nên mình cũng không phải là người hoàn hảo..

my pic

my pic

my music

Friends

Thiet Ke WebSite

GosuBlogger