Bức Tranh Văn Hóa Tộc Người VN ( P.9)

(Nhằm mục đích share cho nhau kiến thức học đại học, Mình up những bài thi, bài luận mình đã từng làm trong khi còn ngồi ghế giảng đường. Nếu ai có copy làm tư liệu cho riêng cá nhân thì làm ơn các bạn hãy chỉnh sửa lại theo ý riêng của các bạn tránh việc copy nguyên si nhá. Những kiến thức này mình làm cũng cóp nhặt từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Vì vậy sau mỗi bài mình sẽ dẫn luôn nguồn tác giả).

2.3 Giá trị về mặt nghệ thuật cùa nhà mồ và tượng nhà mồ

Bên cạnh giá trị nhân văn cao cả của lễ tang ma và lễ bỏ mả thì trong đó nhà mồ và tượng nhà mồ là những tác phẩm kiến trúc và điêu khắc dân gian độc đáo. Theo chu trình dựng nhà mồ, để tiến hành nghi lễ bỏ mả, việc đầu tiên của người chủ hộ là đẽo tượng mồ. Ví dụ một ngôi nhà mồ dự định bỏ vào tháng 3 trong năm, thì từ tháng 1 năm đó người chủ hộ đã bắt đầu kiếm gỗ đẽo tượng. Ở những ngôi nhà mồ to đẹp, bề thế trước đây, cột tượng thường được làm bằng loại gỗ tốt như gỗ cây hương, cây cà- chít, Những cây gỗ này có thể giữ độ bền của tượng mồ giữa thiên nhiên mưa nắng đến vài chục năm.Tượng mồ được đẽo gọt thô sơ bằng những nhát rìu thô ráp mộc mạc, các nét vạch ngang, vạch chéo sơ lược. Với dụng cụ đơn giản là chiếc rìu và cây chà gạc, từ thân gỗ tròn, nghệ nhân chỉ cần phác hoạ một vài chi tiết là bức tượng bỗng trở nên sống động, có hồn bằng những mảng khối được nhấn mạnh.
Việc khai thác gỗ để đẽo tượng có kiêng kỵ, nếu đêm ngủ họ mơ thấy nhà cháy, bến nước cạn kiệt thì sáng hôm sau sẽ hoãn lại việc lấy gỗ, trong khi đi vào rừng lấy gỗ nếu gặp rắn bò ngang qua đường thì họ quay về ngay, người ta cho đó là điềm không lành, dễ có chuyện xấu xảy ra.Gỗ đẽo tượng được kéo về dựng tại nghĩa địa của làng, bên cạnh ngôi nhà mồ sắp bỏ mả, trước khi đẽo tượng mồ, người dân cúng thần, thần đất, thần bến nước (yang Êa), xin phép đẽo tượng mồ cho người chết ở trong làng, lễ cúng thường được mổ lợn làm vật hiến sinh.
Sau lễ bỏ mả, người ta không mang đồ cũng tế hàng ngày đến cho ma nữa. Chum, ché và những đồ vật dành cho người chết được đập vỡ với quan niệm rằng đồ vỡ ở trần gian là đồ lành dưới âm phủ. Tượng mồ cũng đi cùng người chết sang thế giới bên kia. Tượng mồ cùng ngôi nhà mồ dầu dãi mưa, nắng, sương gió rồi hoà vào đất, tự về với cát bụi.

Khác với tượng của người Việt, của người Khmer là những bức tượng linh thiêng, đặc biệt trang trọng khi đặt ở nơi thờ cúng, tượng mồ Tây Nguyên ra đời từ thiên nhiên, được đặt trong khung cảnh thiên nhiên, sống với thiên nhiên rồi hoà tan vào thiên nhiên cùng với thời gian. Nhìn hàng rào tượng quanh khu nhà mồ, người ta không có cảm giác sợ hãi mà lại thấy gần gũi với cuộc sống quen thuộc vẫn diễn ra hàng ngày của buôn làng qua những hình tượng độc đáo. Có thể thấy tượng người ôm mặt ở các góc, tượng nam nữ có tính phồn thực, tượng con gái chia cơm lam, tượng người đánh trống, tượng chó cõng khỉ - như hàm ý rằng lễ bỏ mả rất vui, các con vật không chen vào xem được nên chỉ còn cách cõng nhau lên cao mà xem (!)... Nghệ nhân đẽo tượng đã làm tan biến thật tài tình cái cảm giác sợ hãi của người sống với một thế giới cách biệt, đem lại sự gần gũi giữa người sống và người chết bằng thế giới tượng mồ đầy biểu cảm... Tượng nhà mồ rất phong phú về thể loại. Thông qua các hình tượng như nam, nữ đang trong tư thế giao cấu, hình hài nhi, tượng nam, nữ đứng hoặc ngồi khoe dương vật và âm vật, thể hiện một khoái cảm bậc nhất, thể hiện ý niệm sinh thành hay còn gọi là phồn thực.

Nhóm tượng ngồi khóc rất phổ biến, thể hiện tính tưởng niệm, người xem có thể dễ dàng cảm nhận được tâm trạng tinh thần của tượng thông qua hình nét biểu đạt. Nội tâm nhân vật được bộc lộ. Tượng luôn trong tư thế ngồi trang nghiêm, suy tư, vẻ mặt đượm buồn, đau đớn, tiếc nuối tột độ.

Tượng mẹ con có tượng đứng, ngồi, địu, khênh luôn gợi lên tình mẫu tử thánh thiện, tuy tỷ lệ hình khối mẹ và con chênh lệch nhiều song lại cho ta cảm giác không hề tách rời và gợi lên ý niệm sinh sôi của con người và mùa màng mang một nghệ thuật sáng tạo.

Chưa hề bận tâm tới một quy pháp tạo hình nào, do vậy cách diễn khối ở phần mặt thể hiện tài năng và trí tưởng tượng tuyệt vời của các nghệ nhân Tây Nguyên. Ví như, để diễn tả khuôn mặt gồm: mắt, mũi, miệng, họ có thể gắn cả mảnh sành hay mảnh tôn gây hiệu quả thật bất ngờ về thị giác trong biểu đạt. Tượng mồ được làm ra từ các chất liệu gỗ là chính, bằng những nhát đẽo, phạt, đục của rìu để lại những đường nét thô mộc, khỏe khoắn. Với lối tư duy và thủ pháp tạo hình mang tính biểu trưng và ước lệ không nhầm lẫn với bất cứ nền điều khắc dân gian nào. Ngoài ra, sự phong phú về các thể loại tượng cho thấy khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng tuyệt vời của các nghệ nhân Tây Nguyên thể hiện nỗi đau, khát vọng về sự hồi sinh từ cái chết, ước nguyện vĩnh hằng của con người trước thiên nhiên và vũ trụ.  Nếu gạt bỏ yếu tố tín ngưỡng, giá trị còn lại của tượng mồ là một loại hình nghệ thuật tạo hình đặc sắc.

Giá trị văn hoá và giá trị lịch sử làm cho tượng mồ từ lâu đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Nó là di sản văn hoá quý báu không chỉ riêng của Việt Nam, của Đông Nam Á mà là của cả nhân loại. Theo nhiều chuyên gia dân tộc học, tượng mồ còn hứa hẹn nhiều khám phá mới về lịch sử tộc người và văn hoá tộc người.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Vietnam
không ai là hoàn hảo nên mình cũng không phải là người hoàn hảo..

my pic

my pic

my music

Friends

Thiet Ke WebSite

GosuBlogger